Bạn đã biết gì về Papilloma thanh quản?
Papilloma thanh quản là tình trạng khí quản và thanh quản bị tổn thương. Dù được nhận định là khối u lành tính. Tuy nhiên, nếu thiếu kiến thức điều trị và phòng tránh thì dễ biến chứng thành ác tính. Bạn đã biết gì về Papilloma thanh quản? sẽ giải đáp cụ thể cho người đọc nhá!
THÔNG TIN Y HỌC VỀ BỆNH PAPILLOMA THANH QUẢN
Papilloma thanh quản là gì?
Bệnh có tên đầy đủ là bệnh u nhú tái phát ở đường hô hấp (hay thường gọi là u nhú thanh quản).
Hiện tượng quan sát được là xuất hiện các u nhú nhỏ, dần phát triển thành các khối sùi trên bề mặt ở thanh quản và khí quản. Đây là tình trạng các tế bào vảy sinh sản quá mức, mất cân bằng sinh học.
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh do nhiễm virus HPV từ người mẹ khi bé được sinh thường. Các triệu chứng lâm sàng cũng hết sức đa dạng.
Theo y học đánh giá: papilloma thanh quản là một dạng khối u lành tính và dễ gặp phải.
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh
Nguồn gốc gây bệnh Papilloma thanh quản (hay u nhú thanh quản) là do virus HPV (Human Papilloma Virus), phổ biến nhất là chủng 6 và 11.
Virus HPV, ngoài ảnh hưởng khí quản và thanh quản, còn gây ra các u nhú ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể như: âm đạo, tử cung,…
Các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp gây bệnh
Yếu tố thường gặp
+ Sinh con đầu lòng.
+ Độ tuổi người mẹ còn quá trẻ.
+ Sinh thường hay sinh tự nhiên.
Yếu tố khác
+ Thiếu các chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết.
+ Suy giảm hệ miễn dịch.
+ Thường xuyên hút thuốc lá.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Papilloma thanh quản
Sự phát triển của khối sùi ở các tế bào vảy không phụ thuộc vào âm lượng nói chuyện của người bệnh. Các u nhú phát triển nhanh hay chậm, phụ thuộc vào sự xâm nhập của virus HPV và khả năng chống lại của hệ miễn dịch cơ thể người bệnh.
Khi u nhú càng lớn về kích thước, thanh quản và khí quản càng bị chèn ép. Do đó, triệu chứng của bệnh chính là: khàn tiếng và thường xuyên cảm thấy khó thở. Nếu không có biện pháp can thiệp, đường hô hấp của người bệnh dần bị bít lại hẳn, gây tắc đường thở, và mất hẳn giọng nói.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là xuất hiện là một nốt sùi. Sau đó, theo thời gian, sẽ lan rộng thành nhiều nốt sùi và tạo thành một khối, nhìn như trái dâu rừng. Bề mặt sần sùi, nặng hơn thì có thể rớm máu.
Đối với người lớn
+ Bệnh u nhú thanh quản có khả năng phát triển trở thành ác tính
+ Khối u có tính chất khu trú nhưng ít khả năng gây bít đường thở.
Đối với trẻ em
+ Bệnh ít khả năng biến chứng thành ác tính.
+ Nhưng lại có dấu hiệu phát triển rất nhanh, tạo khối sùi ở thanh quản và gây bít tắc đường thở. Thậm chí, nếu tình trạng nặng hơn, khối sùi có thể lan xuống khí quản, phế quản, nhu mô phổi và có thể dẫn tới tử vong.
Papilloma thanh quản có lây truyền không?
Bệnh u nhú thanh quản có lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, con đường lây truyền bị hạn chế, cụ thể:
+ Các cử chỉ thân mật, gần gũi với người bị nhiễm HPV.
+ Từ mẹ sang con qua đường sinh tự nhiên, mà người mẹ đã nhiễm HPV.
Ở người trưởng thành, tỉ lệ mắc bệnh này thấp. Do hệ miễn dịch đã hoàn thiện, có khả năng chống virus.
Chú ý
Với người từng bị papilloma thanh quản thì vẫn có khả năng tái phát lại nhiều lần, ngay cả khi khối sùi đã được cắt bỏ hoàn toàn trước đó. Nguyên nhân là vì y học hiện nay vẫn chưa có cách loại bỏ hoàn toàn virus HPV khỏi cơ thể người bệnh. Vì vậy virus có thể phát triển trở lại bất cứ lúc nào.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH BỆNH PAPILLOMA THANH QUẢN
Nguyên tắc và phác đồ điều trị bệnh
Nguyên tắc
+ Phẫu thuật loại bỏ papilloma tại chỗ để khai thông đường hô hấp. Giải quyết ngay tình trạng nghẹt thở.
+ Điều trị nội khoa, dùng thuốc để hỗ trợ ngăn ngừa và kéo dài thời gian tái phát.
Phác đồ điều trị cụ thể
Thông thường, để đảm bảo kết quả cao nhất, người ta thường phối hợp một phương pháp điều trị phẫu thuật và một phương pháp điều trị hỗ trợ hay cùng lúc nhiều phương pháp điều trị. Bao gồm:
+ Điều trị ngoại khoa: vi phẫu thuật cắt u nhú, mở khí quản.
+ Điều trị nội khoa: dùng các thuốc tác động trên hệ thống miễn dịch của cơ thể hoặc tác động trên siêu vi HPV để làm biến mất u nhú, ngăn sự tái phát hay kéo dài thời gian giữa hai lần tái phát.
Phương pháp điều trị cụ thể
Điều trị ngoại khoa
Vi phẫu thuật thanh quản cắt u nhú
Hiện nay có 4 cách để thực hiện cuộc tiểu phẫu này. Gồm:
+ Soi thanh quản treo cắt u nhú là phương pháp điều trị cơ bản nhất để lấy tận gốc u nhú tại chỗ và giải quyết sự nghẹt thở.
+ Dùng kìm vi phẫu để cắt u nhú dưới gây mê toàn thân. Trong lúc phẫu thuật, tránh tối đa không để máu chảy vào đường thở và không tạo sự xơ dính thanh quản sau mổ.
+ Dùng laser CO2 cắt u nhú ở thanh khí phế quản sẽ ít gây chảy máu và phù nề hơn. Liều sử dụng từ 10-15 watts liên tục đến 50-80 watts từng đợt dài (8/10s). Phương pháp Laser điều trị lý tưởng với u nhú thể khu trú nhưng với thể phát triển mạnh thì nó không kiểm soát được. Ngoài ra người ta tìm thấy trong khói bốc ra khi cắt bằng laser có virus HPV, có nguy cơ lây bệnh cho chuyên gia và nhân viên phòng mổ.
+ PIPE (Powered Instrumentation Papilloma Excision) là phương pháp mới nhất hiện nay. Đó là dụng cụ mang lưỡi dao đặc biệt có thể cắt u nhú một cách an toàn, giữ nguyên cấu trúc thanh quản, không gây chảy máu và phù nề sau khi cắt.
Mở khí quản
Phải được tránh tối đa vì có thể gây u nhú lan đến khí phế quản, dọc theo đường mở khí quản, gây sẹo hẹp thanh quản, rút canule khó.
Nếu khó thở cấp nên đặt nội khí quản cấp cứu. Chỉ mở khí quản khi thật cần thiết.
Điều trị nội khoa hỗ trợ
Interferon: là loại interferon alpha uống trong 6 tháng, 03 liều tiêm bắp mỗi tuần một liều 150.000 UI/kg. Tuy nhiên interferon có tác dụng tạm thời, ngưng thuốc thì bệnh tái phát và thuốc gây nhiều tác dụng phụ.
Ngoài ra hiện nay người ta còn dùng: Indol-3-Carbinol, Ribavirin, Acyclovir, Methotrexate, Isotretinoin, Cidfovir. Các loại thuốc này chỉ có tác dụng kéo dài thời gian giữa hai lần tái phát chứ không điều trị dứt hoàn toàn bệnh lý u nhú.
Miễn dịch liệu pháp: miễn dịch tự thân, chích ngừa với vaccin HPV (hiện Việt Nam chưa áp dụng).
Phương pháp phòng tránh bệnh Papilloma thanh quản
Như đã trình bày, hiện không có phương pháp điều trị triệt để để loại bỏ hoàn toàn virus HPV khỏi cơ thể. Vì vậy, các biện pháp phòng tránh chỉ mang tính chất giảm tỉ lệ mắc bệnh. Cụ thể:
+ Chích ngừa vaccin HPV. Hiện phương pháp đang được thử nghiệm và kết quả bước đầu khả quan.
+ Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, cần được điều trị dứt điểm các bệnh lý phụ khoa. Đảm bảo trẻ không bị lây bệnh từ mẹ.
+ Trẻ em bị khàn tiếng lâu ngày hoặc hay bị khàn lại. Phụ huynh nên đưa trẻ đi thực hiện soi thanh quản kiểm tra.
Thông tin trên được tổng hợp từ nhiều nguồn và chỉ mang tính chất tham khảo. Hơn hết, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường mà dùng thuốc điều trị không suy giảm, hãy liên hệ ngay các chuyên gia tai mũi họng Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp, nếu bạn còn bất kì thắc mắc nào. Hotline (028) 3923 9999 hoặc click vào khung chat bên dưới để được tư vấn chi tiết nhá.